14 điều nên và không nên làm khi trẻ bị tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh do vi rút gây ra, dễ lây lan và thường gặp ở trẻ nhỏ - được đặc trưng bởi các vết loét ở miệng và phát ban ở bàn tay, chân.
- Điều trị và phòng tay chân miệng trong mùa bệnh
- Bệnh tay chân miệng: 5 dấu hiệu S.O.S cần đưa trẻ đi khám gấp
- Cảnh báo bệnh TAY CHÂN MIỆNG tăng đột biến
Khi bị tay chân miệng trẻ trở nên rất nhạy cảm và đau nhiều ở những vùng bị loét hay phát ban. Do đó, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề dưới đây khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của trẻ tốt hơn.
Những điều cha mẹ nên làm khi trẻ bị tay chân miệng
1. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có triệu chứng của tay chân miệng kéo dài hơn bình thường hoặc trẻ có những biểu hiện khác lạ.
2. Cho trẻ uống nhiều nước lọc hoặc sữa để bù đắp lại lượng nước mất khi trẻ sốt
3. Có thể cho trẻ uống đồ uống lạnh, chẳng hạn sữa để lạnh hoặc ăn kem để làm dịu cơn đau do vết loét miệng gây ra
4. Cho trẻ ăn những thức ăn mềm không đòi hỏi nhai nhiều như súp, khoai tây nghiền, sữa chua… Vệ sinh miệng trẻ sạch sẽ bằng nước ấm sau bữa ăn.

5. Cho trẻ ăn đầy đủ các thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng như rau xanh, thịt cá và những loại cung cấp chất béo tốt cho trẻ. Tất nhiên, những thực phẩm này nên được chế biến mềm lỏng, dễ nuốt.
6. Đối với trẻ lớn bị tay chân miệng nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm; giữ vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày bằng những loại xà bông cho da nhạy cảm để không làm vỡ các mụn nước.
7. Cho trẻ chơi ở ngoài trời nhiều để giúp hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn.
8. Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc trẻ, đồng thời hướng dẫn trẻ những thời điểm cần rửa tay sạch tránh bệnh lây lan.
9. Chà rửa đồ chơi hàng ngày, giữ vệ sinh sàn nhà và những vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc cũng là cách tránh cho trẻ bị tay chân miệng.

Những điều cha mẹ không nên làm khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
10. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm có tính axit có thể gây kích thích các mụn nước trên lưỡi hoặc trong miệng/cổ họng như trái cây họ cam quýt, nước trái cây và soda.
11. Tránh cho trẻ ăn thức ăn mặn hoặc cay hay thức ăn nhiều gia vị.
12. Không dùng muối hay chanh chà lên những vết mụn rộp hay vết loét của trẻ bị tay chân miệng. Đồng thời, cũng không nên bôi những chất lạ lên da trẻ khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
13. Tránh cho trẻ mặc quần áo quá nhiều hay nhốt trẻ trong phòng kín.
14. Không nên cho trẻ đến lớp học khi vẫn còn các biểu hiện của tay chân miệng, hãy chờ đến khi trẻ khỏi hẳn, để tránh lây lan cho cộng đồng.
Khi trẻ bị tay chân miệng, để tăng cường hệ miễn dịch và giúp trẻ nhanh hồi phục cha mẹ cần giữ vệ sinh cho trẻ và môi trường xung quanh sạch sẽ cũng như bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể trẻ.
BS. Trần Phượng
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được bình luận!