Sơ cứu bỏng hóa chất: 6 bước cần nhớ để giảm tổn thương
Nạn nhân bỏng hóa chất có thể chịu các biến chứng nặng như biến dạng cơ thể, nhiễm trùng… Sơ cứu bỏng hóa chất đúng cách sẽ giảm bớt tổn thương cho nạn nhân.
- Bỏ ngay những sai lầm này khi sơ cứu bỏng
- Sai lầm thường gặp khi xử lý bỏng bô xe máy
- Sơ cứu nhanh bỏng nước sôi ở trẻ nhỏ
Bỏng hóa chất xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các chất tẩy rửa, axit hay bazơ... Nếu hóa chất tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây phản ứng trên bề da hoặc sâu bên trong cơ thể. Nếu nuốt phải hóa chất, những vết bỏng có thể gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng.
Dấu hiệu nhận biết bỏng hóa chất
Để có thể sơ cứu bỏng hóa chất đúng cách bạn cần phải biết được các dấu hiệu, triệu chứng bỏng như sau:
- Trường hợp hóa chất tiếp xúc trực tiếp với da
- Vùng da ở vị trí tiếp xúc với hóa chất bị kích ứng sưng đỏ, ngứa
- Đau rát ở khu vực bị bỏng. Thậm chí da đen xạm
- Giảm/thay đổi thị lực hoặc mất thị giác nếu hóa chất văng vào mắt
- Trường hợp nuốt phải hóa chất
- Cảm thấy khó thở, ho nhiều, nôn nhiều
- Loạn nhịp tim, đau đầu, hạ huyết áp, da xanh tái
- Cơ bắp co giật
- Trường hợp nặng có thể ngừng tim, nhịp tim không đều
Bỏng hóa chất có mấy loại?
Dựa vào mức độ tổn thương và độ sâu sẽ có cách sơ cứu bỏng hóa chất phù hợp. Theo đó, các bác sĩ phân vết bỏng hóa chất thành 3 loại:
- Bỏng cấp độ 1, còn gọi là bỏng bề mặt, bỏng nông. Đây là tình trạng tổn thương lớp da trên cùng – lớp biểu bì
- Bỏng cấp độ 2, còn gọi là bỏng dày cục bộ. Đây là tình trạng tổn thương ở lớp da thứ 2 – lớp hạ bì
- Bỏng cấp độ 3, còn gọi là bỏng dày toàn bộ. Đây là tình trạng tổn thương ở lớp da thứ 3 – lớp mô dưới da.
Tùy vào tình trạng tổn thương, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp dùng kháng sinh, ghép/vá da… để điều trị.
Sơ cứu bỏng hóa chất, 6 bước nhất định phải nhớ
Khi gặp nạn nhân, cần làm ngay các bước sơ cứu bỏng hóa chất sau:
Bước 1: Nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng
Bước 2: Cởi bỏ quần áo, giày dép hoặc đồ trang sức có tiếp xúc với hóa chất
Bước 3: Rửa sạch vùng da bị bỏng dưới nước vòi nước lạnh ít nhất 10 – 20 phút. Đối với hóa chất khô, dạng bột cần lau sạch hóa chất trước khi rửa da dưới vòi nước – cần mang găng tay hoặc dùng vật dụng thích hợp khi thực hiện. Nếu hóa chất tiếp xúc với mắt, hãy rửa mắt liên tục trong ít nhất 20 phút trước khi đến bệnh viện.
Bước 4: Băng vết bỏng bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng (không có dính bông mịn). Chỉ cần quấn nhẹ, không siết chặt để tránh gây tổn thương thêm.
Bước 5: Bù nước và điện giải cho nạn nhân sau khi bị bỏng.
Bước 6:
- Nếu vết bỏng nhẹ và không sâu, bạn không nhất thiết đến các cơ sở y tế, có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn tại nhà để điều trị.
- Nếu vết bỏng nặng như dưới đây, sau khi sơ cứu bỏng hóa chất cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất:
- Vết bỏng có chiều dài hoặc chiều rộng lớn hơn 7.5cm
- Vết bỏng trên mặt, bàn tay, bàn chân, vùng háng hoặc mông
- Vị trí vết bỏng ở các khớp xương chính như đầu gối
- Thuốc giảm đau không kê đơn không có hiệu quả
- Nạn nhân có triệu chứng sốc như thở ngắn, chóng mặt, tụt huyết áp
Lưu ý, sau khi thực hiện nhanh các bước sơ cứu bỏng hóa chất tại nhà, khi đưa nạn nhân đi cấp cứu nên mang theo nhãn/vỏ bình hóa chất gây bỏng để giúp bác sĩ nhanh chóng nhận biết nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Theo Healthline – Mayo Clinic
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được bình luận!