Chuyên đề HOT
21-10-2020 08:34

Yếu tố nguy cơ nào dễ dẫn đến rong kinh?

Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hoặc thời gian có kinh nguyệt kéo dài bất thường. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu một số bệnh lý mà chị em cần đề phòng. Một số yếu tố nguy cơ dưới đây có thể dẫn đến rong kinh.

Ở một số cá nhân, rong kinh có thể xuất hiện từ những lần hành kinh đầu tiên, tuy nhiên, ở một số người, rong kinh xảy ra thỉnh thoảng hay bất thường trong một vài lần hành kinh.

Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hoặc thời gian có kinh nguyệt kéo dài bất thường

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến rong kinh

Theo WebMD, một số nguyên nhân sau đây có thể gây ra rong kinh ở phụ nữ độ tuổi sinh sản:

Rối loạn nội tiết tố (hormon): Hàng tháng, cơ thể người phụ nữ sẽ hình thành một lớp niêm mạc bên trong tử cung, khi lớp niêm mạc này bong ra sẽ tạo kinh nguyệt. Quá trình này được kiểm soát chặt chẽ bởi nội tiết tố (hormon) trong cơ thể. Một khi các hormon này mất cân bằng, cơ thể sẽ sinh ra lớp niêm mạc quá dày, dẫn đến chảy máu nhiều hơn khi hành kinh.

Polyp và u xơ tử cung: Các polyp hay u xơ xuất hiện tại tử cung cũng có thể góp phần gây ra sự bất thường chu kỳ kinh nguyệt, gây ra rong kinh.

Vòng tránh thai: Vòng tránh thai là một dụng cụ có dạng chữ T đặt vào tử cung để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Khi dùng vòng tránh thai, phụ nữ cũng có nguy cơ bị rong kinh, đặc biệt là với các loại vòng tránh thai không chứa nội tiết tố.

Các vấn đề về thai kỳ: Một số tình trạng liên quan đến thai kỳ cũng có thể gây chảy máu nhiều tại âm đạo và khiến phụ nữ nhầm lẫn với kinh nguyệt như thai ngoài tử cung hay sảy thai.

Các bệnh ung thư: Các bệnh nhân mắc phải ung thư tử cung, cổ tử cung hoặc buồng trứng cũng có thể chảy máu quá mức trong lúc hành kinh.

Rối loạn đông máu: Đây là một tình trạng tương đối hiếm gặp, khi gặp vấn đề về đông máu, cơ chế tự cầm máu của cơ thể bị suy giảm khiến máu khi hành kinh chảy nhiều hơn bình thường, làm kéo dài thời gian có kinh. Nguyên nhân của rối loạn đông máu có thể đến từ các bệnh lý hoặc do người bệnh đang dùng các thuốc chống đông, làm loãng máu như aspirin 81mg, acenocoumarol, warfarin, clopidogrel…

Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng rong kinh như lạc nội mạc tử cung, các bệnh về tuyến giáp, bệnh viêm vùng chậu (PID), bệnh lý trên thận, bệnh lý trên gan…

Nên đến bác sĩ để chuẩn đoán và điều trị rong kinh

Chẩn đoán và điều trị rong kinh

Theo WebMD, bệnh nhân với tình trạng rong kinh khi đến khám có thể được bác sĩ khai thác thông tin sức khỏe và tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm, xét nghiệm máu, sinh thiết mô…

Về điều trị, bác sĩ sẽ có hướng điều trị tương ứng với nguyên nhân gây bệnh:

Dùng thuốc: bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giúp ổn định nội tiết tố trong cơ thể (thuốc tránh thai) hoặc các thuốc giúp giảm tình trạng chảy máu quá nhiều.

Thực hiện các thủ thuật: Nếu nguyên nhân của vấn đề đến từ polyp hay u xơ, bác sĩ có thể cân nhắc biện pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u gây ra rong kinh. Một thủ thuật khác là nạo buồng tử cung cầm máu kết hợp dùng thuốc nội tiết. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong trường hợp bác sĩ thấy cần thiết loại bỏ nội mạc tử cung hoặc cả tử cung.

Với trường hợp bị rong kinh kéo dài, người bệnh có thể bị suy nhược do thiếu máu. Do đó, bác sĩ cũng có thể kê đơn các thuốc sắt, vitamin và tư vấn chế độ ăn để cơ thể tăng tạo máu, hoặc thậm chí là truyền máu nếu cấp thiết.

 


Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được bình luận!

Tags:
Move top