BỆNH VIỆN 24H

Con bạn có bị còi xương không?

Còi xương là rối loạn ở trẻ em, do sự thiếu hụt rất nhiều vitamin D, canxi hoặc phosphate trong cơ thể. Bệnh sẽ làm xương mềm và suy yếu.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương

Trẻ bị còi xương thường quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn sau gáy. Các biểu hiện của bệnh thay đổi tùy theo từng thời kỳ tiến triển. 

Quấy khóc có thể là dấu hiệu cảnh báo bé nhà bạn bị còi xương.

Ở giai đoạn sớm, trẻ có biểu hiện tăng kích thích thần kinh cơ như là hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình dù là với một tiếng động rất nhỏ, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ. 

Giai đoạn muộn hơn có thể có các dấu hiệụ của biến dạng xương, thường gặp ở xương sọ trước. Cụ thể, bạn sẽ thấy xương sọ của trẻ có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng 4-5 cm, bờ mềm, chậm kín, có bướu ở trán và đỉnh đầu làm đầu to ra thì đó là biểu hiện của hơi bị còi xương rồi. Khi rãnh nối giữa thóp trước và thóp sau rộng khoảng 2-3 cm, trên đầu của trẻ có thể có những chỗ mềm, ấn lõm, trẻ đã bị nhuyễn xương.

Bệnh có biến chứng nguy hiểm không?

Khi bệnh còi xương không được phát hiện kịp thời rất dễ dẫn đến tình trạng bẹp đầu. Nếu trẻ hay nằm ngửa thì sẽ bị bẹp đầu ở phía sau ót, còn nếu trẻ nằm nghiêng thì sẽ bị bẹp đầu sang hai bên. 

Trường hợp nặng hơn, lồng ngực của có thể bị biến dạng như ngực gà, chậm mọc răng. Các đầu xương dài bị bè ra làm cho chân bị cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Cột sống có thể bị gù vẹo.

Trẻ chậm biết đi có thể là hậu quả của còi xương.

Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh quá muộn, trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu. Khi hệ xương của trẻ chậm phát triển sẽ kéo theo hệ cơ cũng yếu hơn bình thường, do đó, trẻ bị còi xương thường chậm biết lẫy, bò và chậm biết ngồi, biết đi. Ở giai đoạn muộn, bệnh còi xương thường để lại những di chứng không tốt về sau.

Trẻ còi xương, phải làm sao?

Nhiều cha mẹ thường lơ là, đến khi trẻ còi xương chậm lớn mới bắt đầu tìm kiếm giải pháp.

Để điều trị bệnh còi xương do rối loạn chuyển hoá cần: Ngăn chặn biến chứng giảm canxi và phốt pho máu bằng cách bổ sung canxi, phốt pho và vitamin D dạng hoạt động liều cao. Những rối loạn máu thường được cải thiện sau một tuần điều trị, tuy nhiên trẻ vẫn cần điều trị bổ sung vitamin D và canxi kéo dài.

Tư vấn điều trị bằng phương pháp phối hợp: Bổ xung thêm các vitamin khác, chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đặc biệt là dầu, mỡ nhằm tăng khả năng hấp thụ vitamin D. Cung cấp muối Ca 500mg/ngày với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, 1-2 g/ngày với trẻ lớn.

Tắm nắng là cách phòng và trị còi xương đơn giản mà hiệu quả.

Tắm nắng hàng ngày: Để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10-15 phút vào buổi sáng (trước 9h). Ánh sáng mặt trời cần được chiếu trực tiếp lên da nếu qua lớp vải che chắn thì tác dụng còn lại sẽ rất ít. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin D này sẽ được hoạt hóa và chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho. 

ThS. BS. Lê Hoàng Hạnh Nghi - ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

BÌNH LUẬN

Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được tham gia bình luận!