BỆNH VIỆN 24H

Phòng bệnh còi xương cho trẻ như thế nào ?

Còi xương có thể để lại những di chứng như: chân vòng kiềng, gù lưng, hệ cơ yếu hơn bình thường, chậm biết đi,… Cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ, đừng đợi đến khi mắc bênh mới tìm cách trị.

Còi xương thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi

Ở nước ta khoảng 9-10% trẻ em dưới 3 tuổi bị còi xương. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, bệnh thường gặp ở trẻ sinh thiếu ký, có hội chứng kém hấp thu, trẻ suy dinh dưỡng... Còi xương thường gặp ở giai đoạn hệ xương của trẻ phát triển nhanh trong 2 năm đầu đời. 

Bệnh có biến chứng nguy hiểm không?

Bệnh còi xương không được phát hiện kịp thời rất dễ dẫn đến tình trạng bẹp đầu. Nếu trẻ hay nằm ngửa thì sẽ bị bẹp đầu ở phía sau ót, còn nếu trẻ nằm nghiêng thì sẽ bị bẹp đầu sang hai bên. 

Hình minh họa chân chữ X, bình thường, vòng kiềng.

Trường hợp nặng hơn, lồng ngực của có thể bị biến dạng như ngực gà, chậm mọc răng. Các đầu xương dài bị bè ra làm cho chân bị cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Cột sống có thể bị gù vẹo.

Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh quá muộn, trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu. Khi hệ xương của trẻ chậm phát triển sẽ kéo theo hệ cơ cũng yếu hơn bình thường, do đó, trẻ bị còi xương thường chậm biết lẫy, bò và chậm biết ngồi, biết đi. Ở giai đoạn muộn, bệnh còi xương thường để lại những di chứng không tốt về sau.

Nguyên nhân gây bệnh

Vitamin D là một vi chất rất cần cho sự hấp thu canxi. Nguyên nhân còi xương thường gặp nhất là do thiếu vitamin D làm rối loạn chuyển hóa canxi và phôtpho, ảnh hưởng đến quá trình tạo xương và các bộ phận khác trong cơ thể. 

Top 5 thực phẩm chứa nhiều vitamin D

80% vitamin D được tổng hợp tại da nhờ ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Chỉ có 20% vitamin D có trong các loại thực phẩm như cá biển béo, gan động vật, lòng đỏ trứng và sữa. 

Tại Việt Nam, dù thời tiết có rất nhiều nắng nhưng trẻ nhỏ vẫn bị còi xương. Trong nhiều tuần đầu sau sinh, mẹ và bé thường nằm trong buồng kín, khi trẻ lớn hơn một chút sẽ được ra ngoài nhưng vẫn ủ kín vì sợ trẻ sẽ bệnh do tiếp xúc với nắng, gió, đó chính là những quan niệm sai lầm làm cho tỷ lệ còi xương ở nước ta vẫn còn cao.

Làm thế nào để phòng bệnh còi xương ?

Bệnh còi xương ở trẻ có thể phòng ngừa ngay từ giai đoạn bào thai. Khi mang thai, người mẹ phải được ăn uống đầy đủ chất, chú ý tăng cường những thực phẩm có chứa nhiều canxi như: tôm, cua, cá, trứng, sữa, đậu đỗ trong suốt thời kỳ mang thai. 

Khi sinh, nên cho trẻ bú ngay trong giờ đầu sau sinh để tận dụng sữa non, cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18 hoặc 24 tháng. Vì trong sữa mẹ tỷ lệ Ca/P rất thích hợp cho việc hấp thu của trẻ. Từ tháng thứ 6 cũng là lúc trẻ bắt đầu ăn dặm thì các mẹ hãy cho trẻ ăn những thức ăn giàu canxi và các loại rau, đặc biệt thêm dầu, mỡ.

Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin d chất lượng nhất.

Một việc quan trọng mà mẹ cần làm cho bé yêu của mình là cho trẻ tắm nắng khoảng 10-15 phút vào buổi sáng ngay trong tháng đầu sau sinh, đây là lúc có cường độ nắng nhẹ. Nếu trẻ lạnh, có thể để trẻ mặc áo, sau 2-3 phút trẻ ấm lên thì ta cởi quần áo ra để diện tích da của trẻ tiếp xúc với nắng càng nhiều càng tốt. Các mẹ lưu ý không nên để trẻ phơi quá lâu dưới nắng gắt. 

Các mẹ cũng nên ra ngoài trời để tiếp xúc với ánh nắng. Trong một số trường hợp sanh non, sanh đôi, sanh ba, điều kiện không cho trẻ phơi nắng thì có thể cho uống bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, An toàn thực phẩm ThS. BS. Lê Hoàng Hạnh Nghi - Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

BÌNH LUẬN

Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được tham gia bình luận!