Tẩy giun như thế nào cho đúng cách
Giun là loại ký sinh trùng sống ăn bám ở người, chủ yếu là ở ruột. Điều kiện vệ sinh môi trường ở Việt Nam còn thấp và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm quanh năm là điều kiện phù hợp cho sự tồn tại và phát tán mầm bệnh giun sán trong môi trường.
Nhiễm giun đường ruột có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ em đến người lớn. Giun sống trong ruột, tiết ra chất độc, chiếm lấy thức ăn, hút chất dinh dưỡng, vitamin, protein, chất sắt… và gây nên tình trạng tiêu chảy, ngứa hậu môn, choáng váng, mệt mỏi, kém ăn… Đối với loại giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột và có thể dẫn đến giun chui ống mật. Giun móc có thể gây thiếu máu, suy tim, mề đay… Hoặc giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin, thiếu máu… Phụ nữ mang thai nhiễm giun nặng có thể bị thiếu máu, thiếu chất, dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Trẻ em nên được tẩy giun thường xuyên
Trẻ em nên được tẩy giun thường xuyên
Trẻ em nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ.
Do đó, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần phải tẩy giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe.
TẨY GIUN THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
– Đối tượng dùng thuốc tẩy giun: Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bạn hãy tẩy giun định kỳ cho cả gia đình ít nhất 6 tháng/lần vào cùng một thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Thông thường, trẻ 24 tháng tuổi trở lên có thể cho uống thuốc tẩy giun. Với phụ nữ có ý định mang thai, cũng nên tẩy giun trước thời điểm mang thai ít nhất 1 tháng.
– Chọn thuốc tẩy giun: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc tẩy giun. Trong đó, có 3 nhóm thuốc được chuyên gia khuyên dùng bởi có độc tính thấp, điều trị giun trên phổ rộng, ít gây tác dụng phụ và hạn chế tái nhiễm tối đa là: nhóm Mebendazol, nhóm Albendazol và nhóm Pyrantel pamoat.
Thuốc trị giun
Thuốc trị giun
Mebendazol: Thuốc này có nhiều biệt dược (tên thương mại) quen thuộc như: vermox, fugacar, mebendacin, noverm… Thuốc có phổ tác dụng rộng, điều trị cùng lúc các loại giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, và giun lươn. Thuốc không độc nên liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là giống nhau. Mebendazol có các dạng bào chế: viên nén 100mg, 500mg, dung dịch uống 20mg/ml, hỗn dịch uống 20mg/ml. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Albendazol: Với các tên biệt dược quen thuộc như: Aldazol, abentel, zeben, zentel… có tác dụng tiêu diệt giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn. Albendazol có các dạng viên nén 200mg và 400mg, lọ 10ml hỗn dịch 20mg/ml (2%) và 40mg/ml (4%). Không dùng albendazol cho người có thai và phụ nữ nuôi con bú, người bệnh gan, bệnh máu và tủy xương.
Pyrantel pamoat: Thuốc thuộc nhóm amidin vòng. Với các biệt dược như: Anthel, combantrin, pilcom, panatel… có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, giun móc nhưng không có tác dụng với giun tóc.
– Thời gian uống thuốc: Với sự cải tiến trong các loại thuốc tẩy giun hiện nay, bạn có thể dùng thuốc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
– Tẩy giun cùng lúc cho cả gia đình: Nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo và ghi nhớ thời gian tẩy giun cho các thành viên.
Tẩy giun cần được duy trì thường xuyên trong năm, kết hợp với chế độ ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường sống trong lành, sạch sẽ để hạn chế sự phát triển của các ký sinh trùng gây hại cho con người.
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được bình luận!